TP. Hồ Chí Minh: Nan giải di dời nhà trên và ven kênh rạch

Năm 2020 là năm cuối của chặng đường chỉnh trang và di dời hơn 20.000 căn nhà trên và ven kênh rạch ở TP HCM nhưng nay vẫn chưa đạt được.

 

Người dân mong có chỗ ở tốt hơn

Theo thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM, thành phố có hơn 21.800 căn nhà trên và ven kênh rạch. Trong đó, số lượng nhiều nhất tập trung ở Quận 8 với gần 10.000 căn, ngoài ra còn ở các quận 4, 7, Bình Thạnh... Các tuyến kênh rạch tập trung nhiều căn nhà lụp xụp, tạm bợ như kênh Đôi, kênh Tẻ, kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, rạch Xuyên Tâm… được đưa vào kế hoạch di dời.

Những căn nhà lụp xụp, tạm bợ xây dựng chìa hẳn ra mặt nước đoạn kênh Đôi, Quận 8.

Bà Nguyễn Thị Lan sinh sống tại kênh Đôi trên địa bàn Quận 8 bày tỏ vui mừng khi được nghe về chủ trương giải toả, di dời để chỉnh trang đô thị. Bởi bao năm qua, dòng kênh này ô nhiễm do rác thải, lúc triều cường dâng cao thì gây ngập, còn khi triều xuống thấp thì mùi hôi thối bốc lên gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.

Bà Lan mong sớm được di dời để có chỗ ở mới tốt hơn: "Giải toả, di dời sớm để Nhà nước làm bờ kè sạch sẽ, vệ sinh cho môi trường tôi thích lắm. Về chỗ ở mới, mong sao Nhà nước hỗ trợ cho một chỗ tái định cư ở gần, hoặc là đền bù thoả đáng”.

Người dân mong chờ là thế, nhưng tiến độ thực hiện đến nay còn rất chậm. Ước tính giai đoạn 2016 – 2020, TP.HCM mới tổ chức di dời được hơn 7.260 căn, chỉ đạt 36,3% kế hoạch đề ra. Theo Sở Xây dựng TP.HCM, để di dời nhà ở trên và ven kênh rạch thì thành phố phải thực hiện 65 dự án với tổng kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư ước tính hơn 44.000 tỷ đồng. Trong khi khó khăn về nguồn vốn, thì tỷ lệ ngân sách được giữ lại cho TP.HCM giảm 4% mà lại phải cân đối cho các chương trình chống ngập, giảm ùn tắc giao thông… TP.HCM cũng không còn nhiều quỹ đất công có giá trị lớn để thanh toán cho doanh nghiệp.

 

Tìm lời giải cho nguồn vốn

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, có một phương thức được lãnh đạo thành phố quan tâm, đó là thực hiện phương thức hợp tác công - tư (PPP). Trong những năm qua, nguồn vốn xã hội để tham gia phát triển đô thị của thành phố chiếm từ 28% đến 33%, vẫn còn thấp so với kỳ vọng của lãnh đạo TP.HCM. Để thu hút được doanh nghiệp tham gia cùng với chương trình di dời nhà ở trên và ven kênh rạch, giải pháp được ông Châu đưa ra là có cơ chế để cho doanh nghiệp đầu tư, khai thác quỹ đất ven sông, kênh rạch có thời hạn.

"Đối với những dự án mà thành phố chưa giao đất đến mép cao của bờ kênh, thì cần vận động chủ đầu tư cùng với thành phố thực hiện việc kè bờ cũng như xây dựng đường, thảm xanh. Trên cơ sở đó cho các doanh nghiệp khai thác theo phương thức cho thuê có thời hạn”, ông Châu cho hay.

Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM nhận định, ở vùng giải toả nhà trên và ven kênh rạch, thì quy hoạch của thành phố về mật độ xây dựng, về quản lý xây dựng và hệ số sử dụng đất chỉ có mức độ hạn chế. Nhà đầu tư cảm thấy không có lời thì sẽ không tham gia. Do đó, thành phố nên có ưu đãi phù hợp cho nhà đầu tư tham gia vào chương trình này.

"Cho nhà đầu tư xây những công trình công cộng, thậm chí là nhà hàng để kinh doanh và có cảnh quan trên bến, dưới thuyền. Khai thác đúng theo quy định, điều kiện thì thành phố sẽ có cảnh quan, nhà đầu tư sẽ có một khoản để bù đắp vào chi phí”, ông Lưu cho hay.

Chương trình di dời nhà ở trên và ven kênh rạch để chỉnh trang bộ mặt đô thị khang trang, sạch sẽ. Đồng thời, khi thành phố thay da đổi thịt thì người dân “sống bám” kênh rạch cũng được đổi đời. Do đó, TP.HCM cần có chính sách thu hút nguồn lực của xã hội tham gia. Đồng thời cần có chính sách hỗ trợ, bồi thường đặc thù cho người dân khu vực này để tìm nơi ở mới, ổn định cuộc sống./.

Theo VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận